Tư duy bằng con số

Khi tham gia vào một dự án tư vấn về chuyển đổi số trong nước, tôi hỏi một đối tác: Tại sao mã bưu chính trên địa chỉ vẫn chưa thông dụng ở Việt Nam?

Thay vì trả lời, chị bảo đây cũng là nỗi trăn trở lớn của một lãnh đạo ngành bưu điện đã về hưu. Bác ấy vẫn hỏi chị bao giờ nước mình mới triển khai rộng rãi hệ thống địa chỉ dùng mã bưu chính.

Lên Google Map tìm kiếm tôi thấy không ít địa chỉ trên Google Map ở Việt Nam vẫn hiển thị mã bưu chính 6 chữ số, ví dụ mã bưu chính một địa chỉ ở Đà Nẵng là 550000, trong khi mã 5 số mới là mã bưu chính hiện tại của Việt Nam. Lên trang mabuuchinh tôi có thể tìm ra mã bưu chính của địa bàn ngôi trường nơi tôi từng học đại học “Phường Bách Khoa, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội” là 11615. Nhưng có lẽ chẳng mấy người ở phường Bách Khoa biết đến con số này.

Không khó để thấy vai trò tăng độ chính xác, giảm thời gian, chi phí của mã bưu chính khi tìm kiếm địa chỉ, nhất là trong thời kỳ các dịch vụ chuyển phát đang “lên ngôi” sau đại dịch và mọi người thay đổi thói quen di chuyển, làm việc. Thay vì phải viết một chuỗi địa chỉ dài dằng dặc 9-10 từ gồm tên phường, quận, thành phố, tôi có thể viết “11615, Hà Nội” mà bưu kiện của mình vẫn tìm đến địa bàn chính xác. Số ký tự tôi phải gõ trên các ứng dụng tìm kiếm cũng ngắn và trả về kết quả chính xác, ít nhập nhằng ngữ nghĩa hơn nhiều.

Các quốc gia phát triển đã dùng hệ thống mã bưu chính từ rất lâu. Đức là quốc gia đầu tiên áp dụng hệ thống mã bưu chính năm 1941. Anh và Mỹ áp dụng theo lần lượt các năm 1959 và 1963. Ngay cả quốc gia nhỏ bé tôi đang sinh sống là Thụy Sĩ, mã bưu chính áp dụng từ hơn nửa thế kỷ, bắt đầu năm 1964. Mã bưu chính Thụy Sĩ gồm bốn con số, “quy hoạch” rất khoa học theo thứ tự từ trái sang phải, từ dưới lên trên như sắp xếp trên trục tọa độ.. Nên khi nghe đọc mã bưu chính tôi đã có thể hình dung vùng đấy nằm ở phía nào của Thụy Sĩ.

Theo một báo cáo từ Tổng Thanh tra Bưu điện Mỹ năm 2013, mã bưu chính ZIP (viết tắt của từ Zone Improvement Plan) mang lại giá trị khoảng 9 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế bao gồm các công ty cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính, người dân, tổ chức, chính phủ… Việc sử dụng mã bưu chính không chỉ ứng dụng cho ngành thư tín chuyển phát mà còn rất thuận tiện trong việc phân tích, lưu trữ dữ liệu cần phân chia theo vùng miền địa lý áp dụng trong các ngành công nghiệp như bảo hiểm, bất động sản, ngân hàng, xử lý thiên tai, nghiên cứu nhân khẩu học…

Tôi cũng không biết phải lý giải làm sao hệ thống mã bưu chính vẫn chưa được dùng rộng rãi trên địa chỉ ở Việt Nam? Chúng ta không thích dùng con số? Tên địa danh nghe thân thương, gần gũi dễ nhớ hơn? Tiếng Việt là đơn âm, viết thì dài chứ đọc lên chẳng dài hơn mấy? Hay chúng ta hy vọng có những nền tảng số ở nước ngoài “lo” cho rồi, dù họ đang khai thác được hàng triệu USD nhờ nguồn dữ liệu và người dùng của chúng ta? Tôi tin không phải là chúng ta không có hệ thống số hóa đó mà có lẽ chúng ta chưa phổ biến vai trò của nó, hay chưa chịu triển khai quyết liệt để biến tiềm năng thành tác dụng thực tế.

Một câu chuyện về “con số” thứ hai là mã định danh cá nhân. Đợt Covid tôi thấy nhiều bộ ngành, đơn vị gặp vấn đề về “liên thông dữ liệu cá nhân” giữa các hệ thống thông tin. Có lẽ một phần chúng ta chưa kịp có một định danh số liên kết dữ liệu cá nhân từ nhiều nguồn lại.

Quay lại chuyện về con số dùng cho việc liên kết dữ liệu cá nhân ở Thụy Sĩ, số AHV, (viết tắt từ tiếng Đức Alters und HinterlassenenVersicherung – Bảo hiểm Tuổi già và những người còn sống), rất hay được sử dụng để liên kết định danh cá nhân, từ thẻ bảo hiểm, hợp đồng, bảng lương, khai thuế và nhiều loại giấy tờ cần xác thực cá nhân là duy nhất. Đây là con số có 13 chữ số, chia làm bốn cụm 3-4-4-2 trong đó ba số đầu là ISO code của Thụy Sĩ, số cuối là “checksum” để phát hiện sai lệch, giả mạo. Nhờ con số này, thỉnh thoảng có việc phải báo danh tính cá nhân, tôi chỉ đọc số AHV, nhân viên trực bàn có thể tra cứu ngay lập tức thông tin của tôi trong các hệ thống.

Câu chuyện về “con số” thứ ba tôi muốn kể là số điện thoại. Mặc dù là người từng tham gia vào xây dựng hệ thống tìm kiếm số điện thoại thông dụng nhất của Thụy Sĩ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những bất ngờ thú vị vì nó được sử dụng trong một số hoàn cảnh.

Ví dụ cách đây 10 năm, khi các ứng dụng mobile chưa thịnh hành, có lần tôi gọi điện đặt Pizza, chưa cần đọc địa chỉ người bán hàng đã nói: Tôi biết rồi, 10 phút nữa anh sẽ có bánh. Hoá ra hệ thống nhận điện thoại gọi đến đã liên kết với ứng dụng tra cứu số điện thoại ra địa chỉ để tìm thấy địa chỉ của tôi, giúp tiết kiệm tối đa thời gian phục vụ khách hàng và giảm thiểu việc đọc nhầm lẫn địa chỉ. Dịch vụ truy ngược từ số điện thoại ra địa chỉ người sở hữu cũng giúp rất nhiều doanh nghiệp dịch vụ tiết kiệm hàng nghìn giờ kiểm tra, hỏi thông tin khách hàng, xếp hàng của người dân tại các quầy phục vụ. Ứng dụng tra cứu số điện thoại cũng giúp ngăn chặn hàng triệu cuộc gọi spam một năm tại Thụy Sĩ.

“Chuyển đổi số” là cụm từ chúng ta được nghe rất nhiều hiện nay. Việt Nam vẫn luôn được xếp vào các quốc gia có tư duy toán học tốt. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đang được ráo riết triển khai. Nhưng giờ đây, vẫn có những vấn đề “số hóa” cơ bản chúng ta còn chậm so với quốc gia khác. Muốn chuyển đổi số nhanh, nên tư duy và hành động với những con số quanh ta cho tối ưu và thiết thực hơn.

                                                                                                                                         Nguồn: Lưu Vĩnh Toàn

(Kỹ sư, Tiến sĩ Công nghệ thông tin – VnExpress)

Hotline
Zalo