Chuyển Đổi Số Doanh Nghiệp Còn Lắm Nỗi Lo

VOV.VN – Doanh nghiệp lo tốn chi phí ứng dụng công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng, lo sợ rò rỉ dữ liệu cũng như thiếu thông tin, thiếu nhân lực nội bộ…

Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhu cầu giao thương giữa các doanh nghiệp (DN) vẫn không ngừng tăng, một trong những lý do đó là niềm tin của DN vào công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, niềm tin vào Chương trình “Chuyển đổi số Quốc gia” đang tạo ra diễn đàn kết nối cộng đồng DN, doanh nhân tiếp cận giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng gia tăng sức cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh.

Thực tế cho thấy, các DN khi áp dụng chuyển đổi số sẽ có chung một xuất phát điểm đó là “chuyển đổi tư duy và nhận thức”, từ khái niệm cho đến trải nghiệm các công năng trong mô hình số sẽ dần dà được hình thành khi có nhiều cơ hội tiếp cận.Ông Phạm Nam Long, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Abivin thừa nhận, chuyển đổi số giúp DN tối ưu hóa tài nguyên bắt đầu bằng việc chuyển đổi các tài liệu, thông tin, cách giao tác vụ… sang nền tảng số. Từ đó, sử dụng các dữ liệu dạng kỹ thuật số để cải thiện quy trình vận hành hoạt động của DN.

“Để chuyển đổi số thành công, DN cần rà soát năng lực và nhu cầu của mình, tìm kiếm giải pháp phù hợp cũng như bám sát thực tế khi phát triển. Từ đó, DN sẽ triển khai từng bước và tiếp tục duy trì, cam kết vận hành”, ông Long chia sẻ kinh nghiệm.

Có thể thấy, chuyển đổi số và kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của công nghiệp 4.0 và cú huých tái bùng phát của đại dịch, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển DN-Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua khảo sát cho thấy, nhận thức của DN về công nghệ số thời gian qua rất tốt, với hơn 50% DN đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19; hơn 25% DN bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có Covid-19 và duy trì ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, kỳ vọng của DN trong ứng dụng công nghệ số cũng rất lớn, đặc biệt là những kỳ vọng liên quan đến giảm chi phí (hơn 71% DN), giảm giấy tờ (hơn 61% DN), quản trị kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm (trên 50% DN)…
 

Tuy nhiên theo ông Huân, phản hồi từ các DN cũng cho thấy, chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, lo sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng… đang là những rào cản lớn nhất hiện nay.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù là lĩnh vực công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia, của DN. Để thành công, trách nhiệm của DN là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Theo phân tích của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, chuyển đổi số DN sẽ là tổng hòa của 5 trụ cột, bao gồm: Văn hóa và chiến lược kinh doanh số; gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng; tối ưu quy trình; công nghệ hóa và phân tích và quản lý dữ liệu.

TS. Võ Trí Thành cũng lưu ý 3 bài học cho thành công trong chuyển đổi số DN, bao gồm: Nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, có tính đổi mới, lan tỏa cao; gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược phát triển DN và đặc biệt là người lãnh đạo phải đi tiên phong.

“Chỉ trong 3 năm gần đây, đa số DN đã có niềm tin vào việc cần phải chuyển đổi số và phải làm để có thể thành công. Trong thời gian Covid-19 vừa qua, khảo sát của Tổng cục Thống kê với 152.000 DN, đã có trên 30% DN Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau”, TS. Võ Trí Thành cho biết.

Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.

GS. TSKH Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, ở các cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam đã đứng ngoài các cơ hội để vươn lên. Nhưng cách mạng công nghiệp lần thứ Tư này đang mở ra cơ hội cho các quốc gia không có truyền thống công nghiệp, mở ra cơ hội cho DN từ nhỏ đến lớn đều có thể thực hiện được. “Đây là cơ hội nhiều thập niên mới có một lần. Nếu DN không thể nhanh chóng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để tiến lên sẽ nhanh chóng bị tụt hậu”, ông Hồ Tú Bảo nói./.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương):

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Đồng thời, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT năm 2021 để hoàn thiện Khung pháp lý và Chính sách phát triển TMĐT và kinh tế số.

Trong đó, thu gọn đối tượng thực hiện TTHC; Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội; Quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài…

Hotline
Zalo